Goldman Sachs mới đây đã điều chỉnh dự báo chính sách lãi suất tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9 năm 2025 thay vì mốc tháng 12 như ước tính trước đó.
Đây được xem là một sự thay đổi đáng chú ý trong quan điểm của Goldman, phản ánh những tín hiệu mới về lạm phát đang hạ nhiệt cùng với việc tác động từ chính sách thuế quan có vẻ nhẹ hơn dự đoán ban đầu.
Theo dự báo mới, mức lãi suất cuối cùng của Fed có thể ổn định trong khoảng 3,00% – 3,25%, thấp hơn so với mức 3,50% – 3,75% trước đây. Goldman Sachs chỉ ra một loạt các yếu tố có tính giảm phát đang tác động đến nền kinh tế Mỹ, bao gồm: Tăng trưởng tiền lương chậm lại, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn ở các lĩnh vực như du lịch và kỳ vọng lạm phát đang dần đi xuống đã góp phần làm giảm mức lãi suất Fed đưa ra. Ngoài ra, các mức thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc từng được lo ngại sẽ làm tăng giá tiêu dùng thực tế chỉ có tác động khiêm tốn, điều này càng củng cố thêm lập luận cho việc Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn.
Xu hướng giảm phát và tín hiệu “hạ nhiệt” từ thị trường lao động
David Mericle, nhà kinh tế trưởng khu vực Hoa Kỳ của Goldman Sachs, cho biết xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 hiện “chỉ nhỉnh hơn 50% một chút”. Ông và nhóm nghiên cứu dự báo rằng sẽ có tổng cộng 5 đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt giảm 25 điểm cơ bản, phân bổ vào tháng 9, 10 và 12 năm 2025, sau đó tiếp tục giảm thêm vào tháng 3 và tháng 6 năm 2026. Tuy nhiên, kịch bản giảm ngay trong tháng 7 năm nay được đánh giá là khó có khả năng xảy ra.
Báo cáo cũng chỉ ra những tín hiệu về sự suy yếu của thị trường lao động. Dù các chỉ số việc làm tổng thể vẫn cho thấy tình trạng “khỏe mạnh” nhưng khả năng người lao động tìm được việc làm mới đang giảm – một dấu hiệu quan trọng cho thấy thị trường lao động đang “hạ nhiệt” dần. Ngoài ra, các yếu tố mùa vụ cùng với những thay đổi gần đây trong chính sách nhập cư cũng có thể tạo ra rủi ro ngắn hạn cho xu hướng việc làm trong thời gian tới.
Chính sách linh hoạt và triển vọng sắp tới
Goldman Sachs nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh về dự báo giảm mức lãi suất cuối cùng không bắt nguồn từ thay đổi trong cách nhìn nhận về lãi suất trung lập dài hạn, mà chủ yếu phản ánh thực trạng kinh tế hiện tại và cách Fed diễn giải các số liệu vĩ mô. Ông David Mericle cũng thừa nhận rằng mức lãi suất trung lập thực sự vẫn là một ẩn số và điều này đồng nghĩa với việc Fed có thể giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái linh hoạt, điều chỉnh lộ trình theo diễn biến mới từ các dữ liệu kinh tế phát triển trên thị trường.
Với dự báo mới này, Goldman Sachs hiện đang dẫn đầu nhóm các tổ chức tài chính lớn về kỳ vọng nới lỏng tiền tệ, cho thấy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trước cuối năm và hành động này trở thành một yếu tố có thể tái định hình chiến lược của cả thị trường chứng khoán lẫn trái phiếu trong những tháng sắp tới.
Trần Hữu Nam là một cây bút tự do chuyên về tiền mã hóa và các công nghệ tài chính mới nổi. Trong suốt bốn năm qua, anh đã tập trung phân tích tác động của blockchain đến các thị trường và hệ thống tài chính toàn cầu. Với nền tảng trong lĩnh vực tài chính số và niềm đam mê với công nghệ phi tập trung, Nam mang đến những nội dung sâu sắc, dễ hiểu, giúp kết nối kiến thức kỹ thuật phức tạp với độc giả phổ thông.