Trong một diễn biến gây bất ngờ về hiệu suất đầu tư dài hạn, vàng hiện đã chính thức vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ trong suốt 25 năm qua kể cả khi đã cộng thêm cổ tức vào lợi nhuận từ cổ phiếu.
Một báo cáo mới đây từ nền tảng dữ liệu tài chính Barchart, Quỹ SPDR Gold Shares (GLD), một trong những quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới đã ghi nhận mức tăng trưởng tích lũy khoảng 596,58%.
Trong khi đó, đại diện tiêu biểu cho toàn bộ thị trường cổ phiếu Mỹ – S&P 500 ETF (SPY) chỉ tăng 556,83% ngay cả khi đã bao gồm cổ tức được tái đầu tư. Điều này thách thức niềm tin lâu nay rằng: “Đầu tư vào cổ phiếu luôn tốt hơn vàng trong dài hạn.”
Trên thực tế, dữ liệu từ Barchart cho thấy, trong chu kỳ 25 năm vừa qua, vàng không chỉ giữ giá mà còn sinh lời tốt hơn cả thị trường cổ phiếu Mỹ.
Biểu đồ theo dõi dữ liệu từ năm 2000 đến tháng 7 năm 2025 và tính cả tổng lợi nhuận (bao gồm cổ tức tái đầu tư), khiến việc vàng vượt trội hơn cổ phiếu trở nên đặc biệt đáng chú ý nhất là khi thị trường từ lâu vẫn tin rằng cổ phiếu nếu tái đầu tư cổ tức luôn vượt xa hàng hóa ví dụ như vàng trong dài hạn.
Có nhiều yếu tố đã góp phần vào chuỗi tăng trưởng ấn tượng kéo dài hàng thập kỷ của vàng. Có thể kể đến như khủng hoảng tài chính năm 2008, một thập kỷ lãi suất thấp và nới lỏng định lượng (QE), các gói kích thích khổng lồ thời kỳ đại dịch, cùng với áp lực lạm phát dai dẳng trong những năm gần đây.
Từ trước đến nay, vàng vốn được coi là “tài sản trú ẩn an toàn”, công cụ phòng vệ trước rủi ro mất giá tiền tệ và những bất ổn mang tính hệ thống đã liên tục tái diễn kể từ đầu những năm 2000. Các nhà đầu tư đã liên tục rót tiền vào loại tài sản này mỗi khi xuất hiện rủi ro địa chính trị, khủng hoảng tài chính hay lo ngại về đồng USD.
Trong khi đó, đầu tư chỉ số S&P 500 vẫn mang lại mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào làn sóng đổi mới công nghệ và lợi nhuận doanh nghiệp nhưng cũng đã trải qua nhiều cú điều chỉnh sâu trong các giai đoạn như bong bóng dot-com, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đợt sụp đổ do đại dịch COVID-19.
Tuy đã phục hồi sau các đợt sụt giảm lớn đó nhưng hiệu suất của chỉ số S&P 500 vẫn chưa đủ để vượt qua vàng một cách nhất quán trong khung thời gian đặc biệt này.
Trong bối cảnh nợ công toàn cầu gia tăng, lạm phát biến động và các rủi ro địa chính trị ngày càng trở lại, vai trò của vàng như một tài sản chiến lược dài hạn dường như đang trở lại vị thế trung tâm không chỉ đối với nhà đầu tư tổ chức, mà cả nhà đầu tư cá nhân.
Trong thế giới tài chính ngày càng biến động, việc kết hợp cả “tài sản tăng trưởng” như cổ phiếu và “tài sản bảo toàn giá trị” như vàng sẽ giúp nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức đạt được sự cân bằng và an toàn hơn trong chiến lược đầu tư dài hạn.
Lê Thùy Linh là một cây bút tự do với mối quan tâm sâu sắc đến tiền mã hóa và vai trò của nó trong việc định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Với bốn năm kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực blockchain, cô đã phát triển hiểu biết vững chắc về tài sản số, tài chính phi tập trung và đổi mới công nghệ. Linh đam mê việc truyền tải kiến thức tài chính một cách dễ hiểu, giúp độc giả tự tin hơn khi bước vào thế giới tiền mã hóa đầy biến động.